Nghiệm thu nhiệm vụ chế tạo nẹp cổ bàn chân bằng công nghệ in 3D

Sản phẩm nẹp cổ bàn chân in 3D được kỳ vọng thay thế kiểu bó bột truyền thống, góp phần làm giảm chi phí xử lý rác thải y tế trong cơ sở y tế, thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D phục vụ chẩn đoán và điều trị.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo nẹp cổ bàn chân bằng công nghệ in 3D”. Đây là nhiệm vụ do Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống chủ trì thực hiện.

15122023nt2.jpg
Đại diện nhóm thực hiện đã khảo sát chức năng và đặc tính kỹ thuật nẹp cổ bàn chân, tìm hiểu quy trình sản xuất dụng cụ chỉnh hình truyền thống (các bước thực hiện, chất lượng nẹp, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, thời gian thi công, chi phí sản xuất). Từ đó, nhóm thực hiện triển khai giải pháp phù hợp để chế tạo dụng cụ chỉnh hình bằng công nghệ in 3D nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn.

Cụ thể, nhóm thực hiện sử dụng kỹ thuật quét 3D quét lấy mẫu chi thể vùng cẳng bàn chân để xây dựng mô hình chi thể vùng cẳng bàn chân. Tiếp đó, nhóm hoàn thiện dữ liệu quét, thiết kế hình dạng - chi tiết của nẹp, kiểm tra và hoàn thiện thiết kế nẹp. Nẹp sau đó được xây dựng mô hình, thiết lập điều kiện biên, phân tích - đánh giá kết quả nhằm hoàn thiện thiết kế. Nhóm thực hiện đã in 3D nẹp cổ bàn chân bằng công nghệ FDM với nhựa PP và công nghệ SLA với nhựa Durable, tạo ra được sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí chất lượng và có mức chi phí phù hợp với khả năng chi trả của bệnh nhân (sẽ được dùng để thử nghiệm).

15122023nt.jpg
Đại diện nhóm thực hiện báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Kết quả thử nghiệm thực tế trên các bệnh nhân cho thấy có sự cải thiện đáng kể về khả năng di chuyển của bệnh nhân, đáp ứng yêu cầu điều trị, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi mang nẹp, đạt sự hài lòng cao về mặt thẩm mỹ của sản phẩm. Các nẹp in 3D sau 1 tháng mang thử đã được bệnh nhân đồng ý tiếp tục sử dụng để điều trị phục hồi chức năng. Ngoài ra, nẹp in 3D cũng có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có vấn đề về chức năng chân ở nhiều bệnh lý khác.

151223NT2.jpg

Sản phẩm nẹp cổ bàn chân in 3D

Việc ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo dụng cụ chỉnh hình góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất. Sản phẩm in 3D có tính thẩm mỹ, tiện dụng, phù hợp cho từng cá thể có thể góp phần giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Công nghệ này được kỳ vọng thay thế kiểu bó bột truyền thống, góp phần làm giảm chi phí xử lý rác thải y tế trong cơ sở y tế, đồng thời làm nền tảng để phát triển ngành công nghiệp dụng cụ chỉnh hình trong nước, thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D phục vụ chẩn đoán và điều trị, góp phần xây dựng ngành y tế thông minh.
Nhật Linh (CESTI)
Scroll